Đại sứ Việt Nam tại Đức có còn là đại diện của kiều bào?

Mỗi khi có đoàn khách cấp cao trong nước sang Đức công tác, ĐSQ ở đây thường mời họp báo các hội đoàn, doanh nghiệp và cá nhân kêu gọi đóng góp, tài trợ để đón tiếp sao cho “hoành tráng“ lên hình.

Vụ việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi sang Đức dự G20 với tư cách Chủ tịch luân phiên Apec 2017 lần này lại càng quan trọng hơn và được cơ quan đại diện khởi động từ rất sớm.

Các hội đoàn đồng hương, câu lạc bộ ở đây được huy động hết công suất, lên chương trình và tập dượt ..hô khẩu hiệu khi Thủ tướng xuất hiện.

Hàng trăm giấy mời đã được Sứ quán phát ra dựa trên danh sách đăng ký từ cộng đồng. Tôi cũng vinh dự là người nhận được 1 tờ giấy với Quốc huy có hình bông lúa.

Hào hứng chuẩn bị, sắp sẵn những câu hỏi sẽ trao đổi với ông Thủ tướng của mình, nên tôi dậy rất sớm và hoãn mọi lịch hẹn với đối tác Đức để ra văn phòng cùng đồng hương chuẩn bị chương trình đến diện kiến vị Thủ tướng của 90 Triệu dân Việt Nam.

Sau một tuần trà với những người bạn, chợt nhận được cuộc gọi điện thoại từ tòa Đại sứ Việt Nam ở Đức của Bí thư thứ hai Lê Việt Phương, thông báo hủy giấy mời do Đại sứ quán đã chuyển tới công dân của mình, mời tới gặp mặt Thủ tướng Việt Nam tại Khách sạn Ritz – Carlton ở trung tâm Berlin, nơi tôi vẫn thường Cafe sáng với các quan chức ngoại giao Đức mỗi khi rảnh.

Trước đó, một nhân viên khác của tòa Đại sứ Việt Nam ở Đức cũng gọi điện và bày tỏ mong muốn hạ bài báo “Vì sao Thủ tướng Đức không tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc?`` đã đăng trên Thoibao.de hôm 1.7, với nội dung dựa trên lịch làm việc của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ không tiếp chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Thủ tướng ở Berlin. Có lẽ sự thật “phũ phàng“ này đã khác hoàn toàn với những gì báo chí nhà nước tung hô trước đó, đây có thể là lý do khiến cơ quan này không muốn sự có mặt của tôi tại buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đêm 5.7.

Hành động trên đã làm cho hơn 170 nghìn kiều bào ở Đức thấy được sự nhỏ nhen của vài cá nhân làm công tác ngoại giao ở đây, có lẽ họ đang cố tình vô hiệu hóa những gì mà nghị quyết 36 của Bộ chính trị Việt Nam* kêu gọi đoàn kết tới hàng triệu kiều bào ở nước ngoài.

Trách nhiệm về việc phân biệt đối xử với kiều bào này thuộc về Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, ngoài ra ông còn là Bí thư Đảng ủy cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức, nên trong thời gian ngắn tới đây sẽ phải giải trình với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đang nỗ lực đấu tranh với vấn nạn ´´Tham nhũng và lợi ích nhóm“ có nguy cơ sẽ làm tê liệt dần các các chỉ đạo của Đảng đối với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Việc đòi lại giấy mời cá nhân là một chuyện, nhưng ngay hôm sau, chỉ ít giờ trước khi khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Đức ngày 6/7/2017 tại khách sạn Marriott, Berlin. Tham tán Bùi Hà Nam đã gửi văn bản hủy nốt giấy mời tham dự Diễn đàn kinh tế, mà trước đó đã gửi cho doanh nghiệp kiều bào cùng các đối tác Đức, làm cho chương trình và mọi sự chuẩn bị trước đó, với mục đích kêu gọi một số doanh nghiệp Đức cùng tới hội nghị này để tìm hiểu đầu tư vào vùng quê nghèo miền trung phải dừng lại.

Thật đáng tiếc, nếu dự án sản xuất của Đức được triển khai tại quê hương, sẽ giải quyết được hàng nghìn việc làm giữa lúc môi trường biển đang bị tàn phá nặng nề vì thảm họa ô nhiễm môi trường do Formusa gây ra tại 4 tỉnh miền trung Việt Nam, nơi những anh em, họ hàng và người dân ở đây quanh năm quen việc chài lưới đang phải bỏ nghề đi biển cũng như giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc để rời lên thị thành làm bốc vác, phụ hồ tứ xứ.

Về mặt nào đó, khi đòi lại giấy mời của doanh nghiệp Đức, vài cá nhân ở ĐSQ đã từ chối các cơ hội hợp tác phát triển kinh tế cho Việt Nam, cũng có nghĩa là đã cướp đi những cơ hội việc làm cho hàng nghìn người dân nghèo vùng ven biển này, nói rộng ra thì đây là một tội ác với nhân dân mà những quan chức này có đi chùa, thắp hương cả quãng đời còn lại cũng không thể bù đắp được cho người dân nơi đây.

Được thông báo, giấy mời bị hủy vài giờ trước khi Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Đức bắt đầu, các doanh nghiệp đối tác Đức của tôi tỏ ra rất ngạc nhiên và thất vọng, họ đã phải cùng trợ lý quay xe trở về thành phố nơi đặt trụ sở công ty và có lẽ sẽ chẳng bao giờ còn có ý định đầu tư tại Việt Nam.

Giấy mời bị đòi lại ngay sáng 6.7, trước khi khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Đức ngày 6/7/2017 tại khách sạn Marriott,Berlin.

Trung Khoa –Thoibao.de 

Ghi chú:

  1. *Vì lý do bảo mật thư tín, nên nội dung trao đổi, E-Mail..đòi lại giấy mời sẽ không đưa lên đây. 
  2. *Kiến nghị về việc tăng cường thực hiện nghị quyết 36 của BCT đối với kiều bào Việt Nam ở Đức đã được gửi trực tiếp cho Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đinh Thế Huynh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.