Liệu Tô Tổng Chủ có cải cách thể chế Việt Nam?

Ngày 6/7, RFA Tiếng Việt bình luận “Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm có thể cải cách thể chế lâu nay của Việt Nam?”

RFA cho biết, trong bài viết ngay sau khi nắm chức Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cho biết, sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, để đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… đồng thời cam kết “quyết tâm xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh”.

RFA dẫn nhận định của Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội trẻ ở Sài Gòn, cho rằng, chuyện kêu gọi tháo gỡ vướng mắc thể chế không mới, nhưng từ trước đến nay chỉ là hô hào, đổ lỗi cho cấp dưới.

“Cái vướng mắc của nhà nước hiện nay là tình trạng đơn đảng, độc tài.”

“Nếu ông Tô Lâm thật sự muốn giải quyết các vướng mắc của đất nước, thì nên bỏ Điều 4 Hiến pháp, để cho nhiều đảng được cạnh tranh một cách công bằng, minh bạch, thì như vậy bộ máy chính trị mới có thể thay đổi tích cực.”

RFA dẫn tiếp nhận định của Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, cho rằng, Đảng đang đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng lớn: Thứ nhất là khủng hoảng về thể chế và lý luận chính trị; thứ 2 là khủng hoảng về kinh tế.

Theo Tiến sĩ Vũ, “chính vì sự khủng hoảng kinh tế này mà nhu cầu đòi cải cách thể chế tăng cao”. Nhu cầu này không chỉ trong dân, mà ngay cả trong Đảng, khi đảng viên đã trở thành nhà tư bản.

Tiến sĩ Vũ cho rằng, khúc mắc lớn nhất là sự hiện diện của các công ty nhà nước, và các công ty được chống lưng bởi các đảng viên cấp cao. Việc này khó mà xoá bỏ, nếu Đảng vẫn nắm độc quyền.

Ông Vũ giải thích:

“Các chức vụ trong chính quyền từ lớn đến nhỏ, đều bố trí cho các đảng viên. Điều này giới hạn khả năng của những người có năng lực khác, tham gia vào việc điều hành chính quyền. Chính vì vậy, chừng nào chưa cải cách thể chế chính trị, năng lực điều hành chính sách và kinh tế quốc gia vẫn còn chưa nâng cao lên được.”

“Việc điều hành đất nước không chỉ tập trung vào một vài người ở trên, mà nó cần một bộ máy xuyên suốt từ trên xuống dưới, của những người có năng lực. Trong các thể chế dân chủ, tất cả các cấp bậc, các vị trí trong chính quyền được bầu chọn dựa trên năng lực, và do đó, nó giúp nâng cao khả năng quản trị.”

RFA nhắc lại, vào tháng 5/2022, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới – World Bank, đã khuyến cáo Việt Nam cần phải cải cách thể chế, để tránh bẫy thu nhập trung bình, và đạt được mục tiêu là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045.

RFA dẫn bình luận của một nhà báo ở Việt Nam, cho rằng:

“Chế độ độc đảng toàn trị theo nguyên tắc căn bản nhất là tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách… Nên khi họ đưa ra những quyết định về thể chế quan trọng, đều cần phải có tập thể giải quyết, nhưng khi khai triển, thì họ đưa cho từng cá nhân phụ trách theo từng phần. Khi muốn có một quyết định mang tính tập thể, thì bắt buộc họ phải kéo phe cánh ủng hộ cho thể chế đó, để đạt được đa số mới được thông qua.”

Chính vì cách làm này, nên suốt hàng chục năm qua, Đảng đã rất rối ren và bế tắc trong việc thực thi các chính sách và các thể chế quan trọng.

Nhà báo này nêu ví dụ, việc ông Tô Lâm liên tiếp đắc cử Chủ tịch nước rồi Tổng Bí thư một cách nhẹ nhàng, “đây là một bước thành công khi chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị… sang chế độ độc tài toàn trị.”

Tuy nhiên, nhà báo này nhận xét, “tư tưởng của ông Tô Lâm chưa cho thấy một cái gì mới”, mà “vẫn dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lênin và tất cả các đường lối bấy lâu nay”.

“Tôi cho rằng phát biểu mới nhất của ông Tô Lâm (về thể chế) chỉ là hình thức, bởi vì thời gian nắm cả 2 chức vụ còn mới quá.”

Cần phải có thêm thời gian mới biết rõ, ông Tô Lâm thành công hay thất bại trong vai trò một nhà độc tài toàn trị.

 

Ý Nhi – thoibao.de