Quốc hội họp bất thường sẽ bầu thêm và miễn nhiệm những ai?

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, mỗi khóa Quốc hội có nhiệm kỳ là 5 năm, và mỗi năm 2 lần Quốc hội nhóm họp theo định kỳ. Các kỳ họp Quốc hội thường được tổ chức vào khoảng tháng 5 và tháng 10 hàng năm.

Ngoài ra, khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu yêu cầu, thì Quốc hội sẽ họp bất thường để quyết định các vấn đề thuộc quyền hạn của mình theo quy định.

Truyền thông nhà nước đưa tin, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã ký thông cáo, về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Quốc hội khóa 15, để xem xét, quyết định một số vấn đề về công tác nhân sự. Kỳ họp sẽ diễn ra trong 1 ngày, bắt đầu từ lúc 8h ngày 26/8, tại Hà Nội.

Một vấn đề đáng chú ý là, trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 15 này, Quốc hội đã họp 15 lần, với 7 phiên bất thường. Trước đây, đã có 5 kỳ họp bất thường của Quốc hội, cũng được triệu tập để xem xét, quyết định, cho các nhân sự cấp cao “thôi chức”.

Điều đó cho thấy sự bất ổn định của chính trường Việt Nam, và hoàn toàn trái ngược với các đánh giá cho rằng, sự ổn định chính trị của Việt Nam, là “điểm sáng” thu hút đầu tư nước ngoài.

Vấn đề đặt ra trong kỳ họp Quốc hội bất thường lần này, mà công luận hết sức quan tâm là, Quốc hội sẽ bầu thêm và miễn nhiệm những ai? Và có bầu lại chức vụ Chủ tịch nước như đồn đoán hay không?

Theo giới quan sát, hiện đang có một số chức danh trong Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần điều chỉnh, phải được Quốc hội thông qua. Trước kỳ họp bất thường lần này, đã có sự thay đổi vị trí với ít nhất 2 phó thủ tướng và 2 vị trí bộ trưởng.

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định, phó thủ tướng là chức danh phải được Quốc hội phê chuẩn, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cho thôi các chức vụ trong Đảng, vì những sai phạm liên quan đến tham nhũng, cần được Quốc hội bãi nhiệm. Ông Trần Lưu Quang mới chuyển về làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cũng cần bãi nhiệm chức Phó Thủ tướng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng bị kỷ luật Đảng và cho thôi chức. Do đó, có thể, Quốc hội sẽ miễn nhiệm ông Khánh, và phê chuẩn người thay thế ông Khánh, ngay trong kỳ họp bất thường này.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long, hiện đang kiêm nhiệm Phó Thủ tướng; có 2 khả năng sẽ xảy ra, đó là, Phó Thủ tướng Lê Thanh Long tiếp tục kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp; hoặc sẽ có nhân sự khác thay nắm ghế Bộ trưởng. Do vậy, có khả năng việc bổ nhiệm thêm chức Bộ trưởng Tư pháp cũng cần được Quốc hội phê chuẩn.

Một vị trí Phó Thủ tướng khác cần xem xét, miễn nhiệm, đó là trường hợp ông Trần Lưu Quang. Sau khi ông Quang được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông sẽ phải rời Chính phủ, để chuyển sang hoạt động tại Ban Đảng. Do đó, khả năng cao, sẽ cần có việc miễn nhiệm và phê chuẩn cho vị trí Phó Thủ tướng của ông Trần Lưu Quang.

Một trong những vấn đề công luận quan tâm nhất hiện nay, đó là, trong kỳ họp bất thường lần này, có đề cập tới vấn đề “san sẻ” quyền lực của tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hay không?

Theo giới thạo tin, tại kỳ họp lần này, điều đó khó có khả năng xảy ra, thậm chí, đây là điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm hoàn toàn không muốn, vì nó ảnh hưởng tới quyền lực tuyệt đối của ông. Trong khi, ông Tô Lâm được cho là đã và đang chuẩn bị triển khai một kế hoạch cải tổ sâu rộng và toàn diện, đối với hệ thống chính trị, kinh tế xã hội ở Việt Nam.

 

Trà My – Thoibao.de