Kéo dàn “đệ ruột” sang diện kiến Tập, Tô Lâm có dụng ý gì?

Chuyến đi thăm Bắc Kinh lần này của Tô Lâm rất hùng hậu, nhiều “đệ tử” của ông tranh thủ tháp tùng. Có lẽ, ông Tập chỉ cần gặp ông Tô Lâm, chứ không cần gặp nhiều người như thế.

Đáng nói là, trong đoàn có các ông Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, và Trần Lưu Quang. Đây là 3 nhân vật gần gũi nhất với Tô Lâm hiện nay, và là những nhân vật nòng cốt mà Tô Lâm dự tính cho bộ khung quyền lực của ông.

Xem ra, ông Tô Lâm muốn ra mắt ông Tập dàn đàn em của mình. Nếu được “hoàng đế thiên triều chiếu cố”, thì đấy là sự đảm bảo lớn cho tương lai chính trị của ông, để rảnh tay đánh hạ các “đồng chí” trong Đảng. Phải thần phục “giặc ngoài”, thì mới có thể bình định được “thù trong”.

Mối quan hệ giữa Tập Cận Bình và Tô Lâm còn cần có thời gian để kiểm chứng. Tô Lâm vẫn chưa thể tạo được thế vững chắc trên đỉnh cao quyền lực như ông Trọng, có lẽ, ông cần thời gian, và những thuộc hạ của ông cũng cần thời gian để thể hiện.

Báo chí nước ngoài đưa tin từ trước chuyến viếng thăm này, cho hay, khả năng Tô Lâm đến gặp Tập Cận Bình lần này, có bàn về dự án đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc, thuộc Sáng kiến “Vành đai – Con đường” của ông Tập. Đây là đại dự án mà ông Tập muốn Việt Nam tham gia.

Sáng kiến này từng được nước Ý – một nước hiếm hoi trong G7, tham gia. Nhưng rồi sau đó, Ý đã quay lưng, vì nhận ra cái bẫy nợ đang chực chờ. Với việc muốn Việt Nam tham gia, phải chăng, Tô Lâm đang muốn đưa Việt Nam vào cái bẫy nợ giăng sẵn của Tập Cận Bình. Đây có phải là món quà đầu tay mà Tô Lâm gửi tặng Tập Cận Bình?

Người Việt rất cảnh giác và hiểu rõ về bẫy nợ của Trung Quốc. Vì vậy, 100 triệu dân Việt sẽ không đồng ý các dự án này. Tuy nhiên, dân Việt không có quyền quyết định vận mệnh đất nước, nên quyền lợi quốc gia đã trở thành cái giá, mà các đời tổng bí thư mang ra làm quà biếu thiên triều, để mua lấy sự bảo kê chính trị cho cá nhân họ.

Với bản chất quân phiệt, áp dụng triệt để chính sách Công an trị, thì Tô Lâm là người có khả năng nhất trong Đảng, để thực hiện các dự án này, bằng cách đè bẹp sự phản đối của người dân. Đây cũng chính là cách mà Tô Lâm thể hiện khả năng trước Tập Cận Bình.

Chuyến đi Bắc Kinh lần này được xem là để tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị. Khả năng cao, Tô Lâm và ê kíp của ông sẽ được Tập Cận Bình “chuẩn y”, để yên tâm lo củng cố quyền lực trong nước. Hiện nay, xung quanh Tô Lâm có rất nhiều kẻ thù, tuy họ khiếp sợ ông, không dám ra mặt chống đối công khai, nhưng những toan tính ngầm thì vẫn luôn được ấp ủ, đợi thời cơ.

Từ sau Hội nghị Thành Đô 1990, các đời tổng bí thư khi mới lên chức, đều sang Bắc Kinh “triều kiến”, như cách để tỏ lòng trung thành, và không dám “ăn ở hai lòng”. Đấy chính là chiếc vòng kim cô khiến cho Việt Nam không thể nào bứt phá.

Để vực dậy nền kinh tế Việt Nam, cần phải cải tổ chính trị. Với việc thể hiện sự thần phục hoàn toàn trước Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hy sinh tương lai đất nước, cho sự đảm bảo độc quyền cai trị của Đảng. Và giờ đây, Tô Lâm lại tiếp bước. Không chỉ riêng ông thần phục, mà cả dàn lãnh đạo hỗ trợ ông cũng phải thể hiện điều đó.

Dưới thời Tô Lâm, sẽ không có sự ưu tiên cho quyền lợi đất nước, mà chỉ ưu tiên cho quyền lợi của Đảng, thậm chí là quyền lợi của phe Hưng Yên. Tất nhiên, điều dễ hiểu là Tô Lâm sẽ dùng lợi ích của quốc gia, để đổi lấy quyền lợi cá nhân và phe nhóm.

Đất nước này đã mất rất nhiều cho quyền lợi của Đảng, và sẽ mất nhiều hơn nữa cho quyền lợi của nhóm “gia đình trị” họ Tô, mà Tô Lâm đang ấp ủ.

 

Thái Hà – Thoibao.de