“Thế trận toàn dân” từ thời chiến vẫn còn phát huy tác dụng trong việc cai trị

Ngày 19/8, RFA bình luận “Chiêu “dùng dân trị dân” đang được áp dụng triệt để?”.

Theo đó, báo nhà nước thời gian qua thường dùng các cụm từ “người dân yêu cầu”, “cư dân mạng mong muốn”, khi đề cập đến việc đội ngũ công an tại các địa phương “ra tay” giải quyết một sự việc bị cho là sai phạm, vi phạm quy định, pháp luật.

Mới đây, vào ngày 18/8, truyền thông nhà nước đồng loạt loan tin về việc một hoa hậu chế lời quốc ca. Không ít báo giật tít như: “Người nổi tiếng chế lời Quốc ca, cư dân mạng mong muốn công an vào cuộc”; “Hành vi bỡn cợt, chế lời Quốc ca của một phụ nữ đang gây xôn xao mạng xã hội, nhiều người mong muốn công an vào cuộc”… Những tiêu đề gần giống như vậy, theo một số nhà quan sát chính trị, chẳng qua là “chiêu thức” của các cơ quan chức năng, trong việc dụng “dân để trị dân”.

RFA dẫn nhận xét của ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, cho rằng:

“Theo tôi, những người chỉ trích việc chế lời quốc ca, đa số không phải là dân, mà là lực lượng dư luận viên của Đảng. Cho nên, đây là việc “giả dân” để trị dân thì đúng hơn là dùng dân trị dân.”

“Những dư luận viên đông đúc đó sẽ có các bài viết “chim mồi” để thao túng tâm lý người dân, khiến dân chúng cứ ngỡ là, cả xã hội đang có chung một quan điểm, và dân phải đi theo quan điểm chung đó.”

Theo ông Quân, khi một ai đó đi lệch “quan điểm chung”, hoặc làm những điều ngược ý Đảng cầm quyền, thì cũng chính lực lượng “giả dân” này sẽ lừa mị đám đông, để xử lý họ.

Ông Quân nói tiếp:

“Trước mắt thì chỉ tìm cách phong sát những người nổi tiếng. Nhưng về lâu dài, thì sẽ khiến Việt Nam tràn ngập tin giả, một chiều, có lợi cho nhà cầm quyền. Từ đó bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân.”

“Như vậy, càng ngày, Việt Nam sẽ càng tụt hậu vì không ai dám lên tiếng chống lại bất công, thì xã hội sẽ càng ngày càng nhiều bất công hơn, mà xã hội nhiều bất công thì rất dễ bùng nổ xung đột giữa các bên.”

RFA trích dẫn báo nhà nước ngày 18/8, đưa tin về việc một người ghép ảnh mặc trang phục công an để câu “view”, và bị phạt 7,5 triệu đồng. Đồng thời, không quên lưu ý, Công an Hội An khuyến cáo người dân, tích cực phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật, để góp phần định hướng dư luận, “làm sạch” nguồn thông tin trên môi trường mạng.

RFA dẫn ý kiến của một người dân ở Việt Nam, rằng, Nhà nước Việt Nam dù không ban hành chính sách cụ thể, nhưng rõ ràng vẫn đang ngấm ngầm “dùng dân trị dân”. Người này đặc biệt nhắc tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc, với chủ trương ‘“Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh tổ quốc” ở các cấp phường, xã, huyện”.

RFA dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương, cho rằng:

“Những giá trị trước đây coi là thiêng liêng, thì bây giờ, người ta không coi là thiêng liêng nữa. Nhiều nhân vật trước đây người ta sùng kính, bây giờ, người ta thấy cũng rất tầm thường. Đây là một tâm trạng có thật trong xã hội hiện nay. Cho nên những chế giễu quốc ca nằm trong tình hình ấy.”

Đó là do có tình trạng tinh thần bất an, không tin tưởng, không mong đợi điều gì tử tế. Đó là tâm lý phản ánh thực trạng xã hội hiện nay, một tâm lý cũng bình thường trong xã hội Việt – nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho biết thêm.

RFA dẫn nhận xét về đề tài liên quan đến việc quản lý nhà nước của một nhà báo ở Việt Nam, cho rằng, chiêu “dùng dân trị dân” sẽ làm cho xã hội nhìn bề ngoài có vẻ yên ắng, nhưng thực chất, đây lại là một xã hội ù lì, và đang lịm dần. Bởi vì, nguy hại của “chính sách” dùng dân trị dân là phá nát nhân tâm, từng người dân có quyền theo dõi nhau, rình mò nhau.

 

Quang Minh – thoibao.de