Nắm giữ “hồ sơ bẩn”, Tô Lâm củng cố quyền lực

Ngày 27/8, trang Asia Sentinel đăng một bài bình luận về việc Tướng Công an Tô Lâm lên cầm quyền ở Việt Nam, của tác giả David Brown – một cựu viên chức ngoại giao kỳ cựu của Mỹ. Bài viết được dịch giả Song Phan chuyển ngữ, đăng trên báo Tiếng Dân cùng ngày, với tựa đề “Viên cảnh sát chóp bu loại bỏ các đối thủ trên đường tiến bước”.

Theo tác giả, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã loại bỏ hết mọi đối thủ, để trở thành Tổng Bí thư. Ông đã chỉ đạo lập hồ sơ, có đủ các chi tiết về hành vi nhám nhúa của các quan chức cấp cao của Đảng và Chính phủ, khiến những người này lần lượt từ chức. Đồng thời, việc nắm giữ “hồ sơ bẩn” của 200 uỷ viên Trung ương Đảng khiến Tô Lâm có thể củng cố quyền lực.

Do đó, khi ông Trọng mất, Bộ trưởng Tô Lâm đã có vị thế độc nhất để giành quyền lãnh đạo Đảng.

Tác giả cho rằng, “cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực” sẽ chỉ là thứ yếu đối với nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam.

Lực lượng lao động Việt Nam vẫn còn tương đối trẻ, các doanh nghiệp công nghệ cao ở Hoa Kỳ và các quốc gia tiên tiến khác đang háo hức tìm các cơ hội lớn, thuê người ngoài nước để tăng trưởng.

Tác giả phân tích, nếu trả lương xứng đáng cho các viên chức Chính phủ, và khen thưởng sáng kiến ​​của công ty, để chống lại tham nhũng, thì nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển bất chấp chiến dịch chống tham nhũng không hồi kết.

Tác giả lấy ví dụ về sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam, mà ông đã quan sát nhiều năm.

Theo đó, những người cải cách trong Chính phủ và những nhà hoạt động môi trường đã đánh vật để được thông qua Kế hoạch Thực hiện Quy hoạch Điện 8, chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào than, sang khai thác nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào, với sự hậu thuẫn từ đầu tư của các nước phương Tây.

Tác giả cho biết, đến cuối năm 2022, mọi thứ dường như đi vào nề nếp. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP 26 [Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu] rằng, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Một nhóm các quốc gia phương Tây được tổ chức dưới tên Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) hứa sẽ huy động 15,5 tỷ Mỹ kim cho Việt Nam.

Tuy nhiên, tác giả cũng cho biết, các cựu quan chức Bộ Năng lượng và các đồng minh của họ tại các công ty độc quyền than, khí đốt và dầu mỏ quốc gia, đã kéo lê việc thực hiện Quy hoạch Điện 8, dù đã được phê duyệt.

Vẫn theo tác giả, năm 2023, mọi thứ tan vỡ, khi Quy hoạch Điện 8 không được thực hiện và Công an Việt Nam bắt giữ lãnh đạo của các nhóm ủng hộ năng lượng tái tạo – những chuyên gia đã thành công trong việc vận động Thủ tướng.

Tác giả lưu ý đến việc, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nổi bật tại một cuộc họp mặt những cựu quan chức cấp cao do Tổng Bí thư Tô Lâm tổ chức.

Tác giả dẫn giải thích của nhà phân tích David Hutt gần đây, theo đó, Dũng tin rằng: “Đảng có thể hạn chế quyền lực của khu vực [kinh tế] tư nhân hiệu quả nhất, bằng cách bắt tay với nó… Các doanh nhân và ông trùm sẽ cần đến Đảng, để tiếp cận đất đai, ký kết hợp đồng và giành được các phán quyết có lợi từ tòa án.”

Tác giả nhận định, đó là sự mô tả khá chính xác, về cách làm mọi thứ để được giải quyết ở Việt Nam. Điểm khác biệt duy nhất là, Tô Lâm đã dùng sự thông đồng giữa khu vực [kinh tế] tư nhân và các quan chức, để trừng phạt, bãi chức và đôi khi là bỏ tù các quan chức.

Tác giả nhận xét, không có dấu hiệu nào cho thấy, Tô Lâm sẽ sử dụng hệ tư tưởng để thúc đẩy cán bộ Đảng và đánh giá năng lực của họ để thăng chức. Tô Lâm là một người thực dụng, và dễ dàng tiếp cận hồ sơ của mọi ngôi sao đang lên trong Đảng. Việc ông tái đắc cử làm Tổng Bí thư Đảng sẽ là điều chắc chắn trước tháng 1/2026, tại Đại hội Đảng 14.

 

Xuân Hưng – thoibao.de