Mượn cớ cờ vàng để “phong sát” các nghệ sĩ

Bàn về sự khác biệt, người Việt từ ngày xưa đã có câu “bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn”. Nói theo thời hiện đại, câu này ngụ ý thừa nhận của tính đa nguyên của xã hội. Trong một xã hội dân chủ văn minh, đa số công dân đều biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt.

Thời gian gần đây, rộ lên chuyện các nghệ sĩ từng biểu diễn trên các sân khấu có lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đây là một vấn đề bị coi là nhạy cảm tại Việt Nam – nơi mà Đảng Cộng sản và chính quyền của họ, luôn cáo buộc những người của chế độ cũ là thế lực thù địch ở nước ngoài, âm mưu chống phá nhà nước.

Đó là lý do, những sự việc liên quan đến mối quan hệ giữa quốc nội và hải ngoại luôn xộc xệch, mà lá cờ “vàng ba sọc đỏ” thường gây ra những phản ứng mạnh mẽ khác nhau, giữa người dân và chính quyền.

Việc các nghệ sĩ ở Việt Nam ra nước ngoài, hay nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Nhu cầu trao đổi, giao lưu nghệ thuật là chính đáng. Do đó, việc nhà nước chỉ trích, thậm chí là xử lý những nghệ sĩ từng biểu diễn ở Hoa Kỳ, với lý do có dính vấn đề “nhạy cảm” về chính trị, khiến công luận bất bình cũng là điều dễ hiểu.

Có thể kể ra như, chuyện vợ chồng nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp và nữ ca sĩ Ngọc Mai bị phê phán, chỉ trích, vì xuất hiện cùng lá cờ vàng ba sọc tại Mỹ; hay chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị đình chỉ biểu diễn trong 9 tháng, vì đeo cái gọi là huy hiệu giống “Biệt công bội tinh”, của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Mới đây, vì sợ bị cấm biểu diễn hay bị cấm phát sóng trên các chương trình giải trí của các đài truyền hình, hàng loạt các danh tài trong nước từng “lỡ” xuất ngoại biểu diễn, phải chủ động “sám hối” để được nhẹ tội. Như ca sĩ Phạm Khánh Hưng, Myra Trần, Tóc Tiên… đã lên tiếng xin lỗi, kèm theo những lời giải thích đầy “bi ai”, cho biết rằng, họ cũng vì “miếng cơm, manh áo”, và hoàn toàn không liên quan đến quan điểm chính trị, hay chống phá nhà nước.

Vấn đề phân biệt cờ vàng – cờ đỏ nhiều đã lần khiến mạng xã hội người Việt nổi sóng.

Theo giới quan sát, vì nước Mỹ là nơi cưu mang các nạn nhân của sự đàn áp về nhân quyền và tự do tôn giáo lớn nhất thế giới, ở đó, các cộng đồng người tị nạn của các quốc gia nói chung, hay cộng đồng người Việt nói riêng, đều có quyền lựa chọn màu cờ, hay biểu tượng đại diện cho họ. Đây là các quyền hợp pháp.

Lá cờ vàng ba sọc đỏ là di sản, là ký ức của nhiều thế hệ người Việt ở hải ngoại, cần được tôn trọng. Hơn nữa, những người thuộc thế hệ tị nạn đầu tiên, vốn hăng say chống Cộng, nay cũng đã gần đất, xa trời.

Nhà nước Việt Nam chủ trương chỉ trích, xử lý, đối với các nghệ sĩ từng biểu diễn ở Hoa Kỳ, với lý có dính đến “cờ vàng”, thực chất là hành động “truy sát” các nghệ sĩ. Đây là một chủ trương hết sức sai lầm của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Công luận thấy rằng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài từng được Đảng gọi là “khúc ruột ngàn dặm”, họ chính là nguồn tài chính hùng hậu cho Việt Nam, với số ngoại tệ gửi về mỗi năm bình quân khoảng gần 20 tỷ USD. Trong vòng 30 năm, số ngoại tệ của người Việt ở nước ngoài gửi về, đúng bằng tổng số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong nước.

Một vấn đề nữa mà công luận nhấn mạnh, thay vì cúi đầu để sám hối trước bạo quyền, thì các nghệ sĩ, ca sĩ, cần ý thức được rằng, trong luật pháp Việt Nam không hề có bất cứ điều luật nào cấm cờ vàng ba sọc đỏ cả. Và cho tới nay, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, cũng không có ban hành một thông tư / nghị định, hay một văn bản dưới luật, cấm các nghệ sĩ biểu diễn, nếu sân khấu có sử dụng cờ vàng ba sọc đỏ. Đó là các quyền hợp pháp của các nghệ sĩ, ca sĩ.

 

Trà My – Thoibao.de