Dư luận ồn ào xung quanh trend vẽ cờ lên mái nhà để thể hiện lòng yêu nước

Ngày 19/8, RFA Tiếng Việt bình luận “Ý kiến quanh việc vẽ cờ lên mái nhà là thể hiện lòng yêu nước”.

RFA cho biết, theo truyền thông nhà nước, việc nhiều bạn trẻ vẽ cờ đỏ sao vàng trên tường và mái nhà, cửa sổ, rồi đăng tải lên mạng xã hội, đã tạo nên một trào lưu thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, và mong muốn lan tỏa tình yêu quê hương đất nước.

Trong khi đó, cũng thể hiện lòng yêu nước, nhiều người đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo, phản đối Formosa hủy hoại môi trường, phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm… thì lại bị bắt, bị bỏ tù.

RFA dẫn quan điểm của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, cho hay:

“Có thể nói, đó là hiểu biết rất nông cạn, phiến diện và không đúng chút nào.”

“Thể hiện lòng yêu nước chân chính và thật sự, là phải băn khoăn, trăn trở, sao đất nước vẫn còn tụt hậu. Mấy chục năm mở cửa mà vẫn còn đì đẹt, kinh tế yếu kém. Các quyền con người vẫn còn chưa được tôn trọng, chưa được tự do. Khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn chủ quyền biển đảo mà người dân đứng lên biểu tình thì bị bắt bị đánh đập.”

“Yêu nước là phải thấy đau xót trước tình cảnh thất nghiệp nhiều, bất công xã hội còn nhiều, oan trái trong xã hội còn chồng chất, và phải đi tìm nguyên nhân vì sao. Thế mới gọi là yêu nước!”

Theo nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, nhà nước không khuyến khích người dân yêu nước bằng cách đòi hỏi tự do, dân chủ, để phát triển đất nước, vì cách này ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

RFA dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Hoa Kỳ, cho rằng, xu hướng sơn cờ đỏ lên mái nhà là điều đáng lo ngại, nhất là khi chế độ coi đây là động thái yêu nước.

Ông Mạnh phân tích:

“Khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu, là những giá trị mà chế độ mong muốn xây dựng mà thôi, nó chưa phải là những giá trị đã xây dựng thành tựu. Trong bối cảnh đó, khi đất nước, dân tộc không có điều gì đáng hãnh diện ngoài sự tan hoang, thì sự cổ võ cho những biểu tượng của chế độ là để làm gì? Chúng không hề mang đến ích lợi gì cho đất nước trong giai đoạn hiện nay cả, ngoài sự tiềm tàng của những bất ổn.”

“Sự hòa hợp, hòa giải giữa người Việt khác chính kiến, vẫn là nan đề chưa từng giải quyết, sau cả nửa thế kỷ. Tôi nghĩ, chế độ trong nước nên có biện pháp cấm đoán ngay xu hướng tai hại này, vì lợi ích lâu dài của đất nước, của dân tộc.”

RFA đặt vấn đề, trong khi những nhà đấu tranh, nhà hoạt động coi việc lên tiếng phản biện là yêu nước, chỉ ra những sai lầm trong việc điều hành đất nước, nhằm góp phần phát triển đất nước là yêu nước, thì phía nhà nước lại coi đây là những người lợi dụng các quyền tự do dân chủ, và kết án họ theo Điều 331.

Mới đây là trường hợp ông Nguyễn Chí Tuyến.

RFA dẫn bình luận của nhà hoạt động Trần Anh Quân, ở Sài Gòn, cho rằng:

Vẽ cờ lên mái nhà, tường nhà để gọi là yêu nước, nó cũng giống như lên mạng khoe cha mẹ mùa vu lan để câu like, mà lại không hiếu thuận hiếu thảo với cha mẹ ở nhà. Tôi nghĩ, yêu nước là phải nỗ lực hành động.”

Còn việc người dân xuống đường phản đối Trung Quốc, bày tỏ lòng yêu nước mà bị bắt bớ, thì đó là chuyện quản lý xã hội của nhà nước. Đảng Cộng sản đã đánh tráo khái niệm yêu nước với yêu Đảng. Họ thuần phục Trung Quốc nên bắt dân kính trọng kẻ thù. Người dân yêu nước, đem lá cờ đi biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn bị bắt như thường. Nghịch lý chỗ đó.”

RFA trích dẫn báo chí nhà nước, cho hay, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu, việc sơn cờ tổ quốc là một hành động thể hiện tình yêu nước của người dân, với nhiều mặt tích cực.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hoài Sơn, việc sơn cờ không cẩn thận có thể bị coi là thiếu tôn trọng, đặc biệt khi hình cờ tổ quốc bị phai màu, bẩn hoặc hư hại theo thời gian.

 

Thu Phương – thoibao.de