Tương lai Việt Nam sẽ ra sao sau Đại hội 14?

Ngày 14/8, RFA Tiếng Việt bình luận “Tương lai Việt Nam tại Đại hội 14 sẽ được định hướng về đâu theo hứa hẹn của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm?”

RFA dẫn lại phát biểu của Tô Tổng, khi đọc văn kiện tại cuộc họp với Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14, hôm 13/8:

“Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 sẽ là mốc son mới trên con đường phát triển đất nước, có ý nghĩa định hướng tương lai, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc.”

RFA dẫn nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, rằng:

“Về hình thức, văn kiện được đọc bởi ông Tô Lâm thực chất không phải là một văn bản trơn tru và mạch lạc, mà nó là một mớ hổ lốn các câu chữ trộn lẫn vào nhau. Nếu viết ngắn gọn lại, có lẽ cũng chỉ hơn 10 câu, và đó là những câu chung chung.”

“Nội dung văn kiện không có gì mới. Nó là những gì xào nấu lại từ những văn kiện được trình bày bởi ông Nguyễn Phú Trọng.”

Theo Tiến sĩ Vũ, phát biểu này cho thấy 3 điều:

Thứ nhất là người đọc và người chuẩn bị thấy sự không cần thiết của việc chuẩn bị một văn kiện trang trọng.”

Thứ hai là họ khinh thường chính những người đồng chí của mình. Bởi vì khinh thường cho nên họ sẵn sàng đọc một văn bản nhảm nhí, có chữ mà không có nghĩa, để những đồng chí của mình ngồi nghe, mà không lo sợ bị phản bác gì cả.”

Thứ ba, nó cho thấy một sự bế tắc trong lý luận chính trị, và sẽ mở đường cho một cuộc khủng hoảng, ngay bên trong đảng Cộng sản.

RFA dẫn ý kiến của ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, cho rằng, ông Tô Lâm muốn gửi đi 2 thông điệp về việc định hướng tương lai:

Thứ nhất, đối với đảng viên thì phải thống nhất đi theo phe của Tô Lâm, để có tương lai.”

Thứ 2 là về tương lai của đất nước. Trong bài phát biểu này thì Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẽ kiên định với học thuyết Mác-Lênin.”

“Sau Đại hội 14 thì việc đàn áp những người bất đồng chính kiến sẽ càng nặng nề hơn, dưới chế độ công an trị của Tô Lâm.”

RFA tiếp tục dẫn quan điểm của Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Đức, cho rằng:

“Tôi khẳng định ngay, chắc chắn là không có hy vọng gì. Bởi cách thức ông Tô Lâm làm, không một điều gì tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cũng như doanh nghiệp có thể sinh sống và làm ăn. Chúng ta thấy, trước khi ông Tô Lâm lên nắm quyền lực tuyệt đối, thì trên cương vị Bộ trưởng Công an đã đưa ra một loạt những văn bản luật, làm cho cuộc sống người dân phức tạp hơn rất nhiều…”

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhắc đến việc liên tục thay đổi mẫu giấy tờ tùy thân của công dân, khi đó ông Tô Lâm đã nói, căn cước công dân nhựa không gắn chíp sẽ được sử dụng cho đến khi hết hạn 15 năm, nhưng sự thật không phải vậy. Ông Đài nêu dẫn chứng:

“Hiện nay khi đã ra thẻ căn cước công dân cuối cùng, là thẻ có gắn chip điện tử, thì khi những công dân đến làm việc ở ngân hàng mở tài khoản, hay đi công chứng, hay các dịch vụ khác… thì các cơ quan đó đều yêu cầu phải có thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử, thì họ mới tiến hành làm. Tức là, vô hình chung là, họ đã loại toàn bộ chứng minh thư 12 số, loại thẻ căn cước không gắn chíp điện tử. Điều này đã làm cho người dân rất tốn kém và khó chịu trong đời sống hằng ngày. Chưa kể việc kiểm định khí thải xe gắn máy cũng làm cho khoảng hơn 70 người dân đang sử dụng xe gắn máy cũng gặp rất nhiều khó khăn.”

RFA cho biết thêm, ông Tô Lâm nói sẽ định hình sự phát triển, sẽ có một chiến lược mới cho đất nước… Nhưng theo Luật sư Đài, những chiến lược đó sẽ không phục vụ tốt hơn cho người dân, cho đất nước… mà thậm chí sẽ thụt lùi so với những người tiền nhiệm của ông Tô Lâm.

 

Xuân Hưng – thoibao.de